Để hướng tới tham vọng góp mặt tại sân chơi World Cup, bóng đá Việt Nam không chỉ cần tập trung đầu tư cho đội tuyển Quốc Gia, mà còn cần xây dựng nền tảng bền vững, đó là phát triển con người, đào tạo đội ngũ kề cận chất lượng với những tài năng trẻ được đào tạo bài bản cả về kỹ chiến thuật, thể lực, sức mạnh, cùng tinh thần chơi bóng cao thượng trong thể thao.
Triết lý huấn luyện và giáo dục là nền tảng cốt lõi để mọi nền bóng đá, trong đó có Việt Nam, sản sinh ra thế hệ cầu thủ tài đức vẹn toàn. Đó cũng là điểm chung về tầm nhìn mà Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) chia sẻ cùng La Liga (giải vô địch quốc gia Tây Ban Nha), dẫn đến sự ra đời của Học viện La Liga Việt Nam.
Điểm khởi đầu của giấc mơ
Bóng đá Việt Nam đặt mục tiêu tham dự World Cup, trước mắt là nỗ lực lọt vào vòng loại thứ ba World Cup 2026, tầm nhìn hướng tới góp mặt ở World Cup 2030 hay 2034. Trên bản đồ bóng đá châu Á, suất dự World Cup trước nay là câu chuyện nội bộ của những thế lực hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ả Rập Xê Út, Iran. Đây là những quốc gia có nền tảng bóng đá vững vàng, chất lượng cầu thủ ở tầm cao nhất châu lục và đội tuyển quốc gia giàu thành tích ở các giải lớn.
Khi số suất tham dự của châu Á được mở rộng từ 4,5 suất lên 8,5 suất (do vòng chung kết World Cup từ năm 2026 trở đi có 48 đội tham dự), cơ hội sẽ mở ra cho những nền bóng đá thuộc nhóm hai, trong đó có UAE, Uzbekistan, Trung Quốc, Qatar, Jordan, Syria, Palestine, Thái Lan, Indonesia hay Việt Nam. Một chiến lược phát triển dành cho đội tuyển quốc gia và hệ thống bóng đá chuyên nghiệp quốc gia đã được VFF vạch ra, với tầm nhìn hướng tới 5, 10 năm tới.
Tuy nhiên, yếu tố cốt lõi của mọi chiến lược hướng tới World Cup là con người. Bóng đá Việt Nam muốn hướng tới World Cup, sẽ cần không chỉ một vài cầu thủ giỏi, mà còn là một thế hệ tài năng, với chất lượng của chơi bóng của cả nền bóng đá được nâng lên tầm cao mới. Công nghệ đào tạo, giáo dục, huấn luyện cầu thủ, đặc biệt ở cấp độ trẻ, là mắt xích cốt lõi để thay đổi diện mạo bóng đá Việt Nam.
Từ trước đến nay, Việt Nam có những trung tâm (hoặc lò đào tạo của CLB) được đánh giá cao về chất lượng và hiệu quả đào tạo như Viettel, CLB Hà Nội, SLNA, PVF – Bộ Công an… Dù vậy, nhìn sang Nhật Bản, Hàn Quốc – những quốc gia có hàng trăm trung tâm đào tạo trẻ, chưa kể hệ thống bóng đá học đường phát triển cực thịnh mang lại rất nhiều lựa chọn tài năng cho đội tuyển quốc gia, bóng đá Việt Nam rõ ràng cần đào tạo tốt hơn nữa, cập nhật công nghệ đào tạo trẻ từ những nền bóng đá phát triển, tiếp cận với đẳng cấp quốc tế, giúp cầu thủ có cơ hội cọ xát, tập luyện, thi đấu ở các giải lớn nhằm tích lũy kinh nghiệm.
Với bối cảnh như trên, sự xuất hiện của La Liga với bản thỏa thuận thành lập Học viện La Liga Việt Nam, hợp tác đào tạo trẻ với VFF đã mang đến thêm một điểm tựa nữa để bóng đá Việt Nam mơ vươn cao. Từ cột mốc ký kết, VFF và La Liga sẽ bắt đầu có nhiều hoạt động chính thức trong mảng đào tạo thể thao, mang những giá trị của La Liga về Việt Nam. Chương trình sẽ đi từ gốc rễ là đào tạo, hướng đến tạo cơ hội cho các bạn trẻ Việt Nam sang Tây Ban Nha tiếp tục phát triển. Phía La Liga cũng muốn tạo điều kiện giúp đội ngũ HLV, chuyên gia quản lý Việt Nam liên tục được nâng cấp. Đích đến rất cụ thể: Việt Nam sẽ tham gia World Cup.
Triết lý Fairplay
Việc xây dựng nền tảng giáo dục toàn diện cho cầu thủ là điều vô cùng quan trọng. Bởi một cầu thủ thành công, bên cạnh yếu tố chuyên môn như kỹ chiến thuật, thể lực, sức mạnh… còn cần nền tảng đạo đức tốt, tinh thần thể thao cao thượng, được giáo dục đầy đủ về cách đối nhân xử thế, có kiến thức văn hóa xã hội tốt để ngay cả khi không theo nghiệp bóng đá, vẫn có thể trở thành công dân có ích, tạo ra giá trị cho xã hội.
Đó cũng là triết lý La Liga muốn mang tới cho cầu thủ trẻ Việt Nam thông qua thỏa thuận hợp tác đào tạo. Huấn luyện chuyên môn bóng đá chỉ là bề nổi. Một cầu thủ giỏi cần được củng cố nhận thức đúng đắn, học cách cảm thông, hợp tác, biết chấp nhận thất bại và học hỏi để tiến bộ hơn mỗi ngày. Chiến thắng là đích đến cao nhất trong bóng đá, nhưng quan trọng hơn, cầu thủ cần học được cách nỗ lực để có được chiến thắng và không nản lòng khi thất bại.
“Trước hết, cần thấy rằng hơn 90% các em nhỏ học bóng đá chưa chắc sẽ theo nghiệp đá bóng. Vì vậy, chúng tôi xem bóng đá là một kênh để truyền tải đến các em những bài học về sức khỏe, về tinh thần, về sự kết nối, về cách nỗ lực, về cách chiến thắng lẫn cách thất bại. Chẳng hạn, trong mỗi trận thi đấu, các em luôn được dạy phải chia sẻ. Khi thấy đối thủ bị té ngã, các em biết nâng đỡ và hỏi han. Nhìn đồng đội đau, các em biết khích lệ. Các em cũng được học về cách thắng: Không thể bất chấp thủ đoạn. Các em được học về thất bại: Trận thua ngày hôm nay có thể là nền tảng cho chiến thắng ngày mai.
Với mục tiêu đào tạo cầu thủ và góp phần nâng tầm bóng đá Việt Nam, Học viện La Liga Việt Nam lên kế hoạch áp dụng mô hình giảng dạy bóng đá theo chuẩn Tây Ban Nha. Chương trình sẽ đi từ gốc rễ là đào tạo, hướng đến tạo cơ hội cho các bạn trẻ Việt Nam sang Tây Ban Nha tiếp tục phát triển. Phía La Liga cũng muốn tạo điều kiện giúp đội ngũ HLV, chuyên gia quản lý Việt Nam liên tục được nâng cấp.
Mục đích sau cùng, là nâng chất lượng bóng đá Việt Nam cả về con người lẫn nền tảng tổ chức để tăng sức cạnh tranh cho mục tiêu World Cup.
Năm 1978, khi Cha Bum-kun rời đội Sangmu FC (Đội bóng không quân Hàn Quốc) sang Đức đá cho Freiburg, trước mặt ông là tràn ngập hoài nghi khi bóng đá Hàn Quốc chưa từng có cầu thủ sang châu Âu chơi bóng. Để rồi 45 năm sau, HLV Jurgen Klinsmann của Hàn Quốc có thể tung ra một đội hình với đủ 11 cầu thủ đã hoặc đang chơi bóng ở châu Âu. Son Heung-min, niềm tự hào Hàn Quốc, đã giành ngôi vua phá lưới Ngoại hạng Anh, đang là thủ quân CLB Tottenham.
Phải đi thì mới có đường. Những bước chân nhỏ bé của thế hệ hôm nay, sẽ là nền tảng để thế hệ mai sau “khai sơn phá thạch”, tạo nên con đường thênh thang rộng mở.
Còn khát vọng có một cầu thủ Việt Nam có thể khoác áo Real Madrid thì sao? Có thể chứ, nếu cả hệ thống bóng đá nước nhà không ngừng nỗ lực và hy vọng.
Nguồn: Thanh Niên
Mời quý vị các bạn tiếp tục theo dõi và cập nhật giải đấu qua các nền tảng :
Fanpage : Cộng đồng thể thao học đường , VSports – Cộng đồng thể thao Việt Nam, Bóng đá Sân 7.