Học sinh lớp 10 hào hứng khi được lựa chọn bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông, đá cầu, bóng đá thay vì học một số môn điền kinh như trước.
Hai tháng qua, Nguyễn Thanh Bình, học sinh lớp 10 một trường THPT ở Hà Nam, đã quen với môn bóng chuyền trong giờ Giáo dục thể chất mỗi thứ ba, năm, bảy hàng tuần. Sáu lớp 10 của trường em được chia ra ba lớp bóng chuyền, ba lớp cầu lông, học theo bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.
Bình cho biết lúc đầu không thích bóng chuyền, phần lớn các bạn nam trong lớp thích bóng đá. Tuy nhiên, so với việc học dàn trải nhiều nội dung hồi cấp 2, Bình thấy hứng thú vì được học chuyên sâu về một môn thể thao như hiện tại. “Sau vài buổi tập cầm bóng, tâng bóng bị bầm tím hai tay, giờ em đã biết cách điều khiển trái bóng để không bị chấn thương”, Bình kể, cho biết môn Giáo dục thể chất có nhiều phân môn và có sách giáo khoa (SGK) riêng rất “thú vị”.
Điều kiện cơ sở vật chất khó khăn
Lúc mới học đá cầu, Nguyễn Bảo Yến, lớp 10A7, trường THPT Quỳnh Côi, Thái Bình, thấy khó. Khối 10 với 14 lớp ở trường của Yến đều học môn đá cầu theo bộ sách Cánh diều, với các kỹ thuật từ cơ bản đến nâng cao. Lý do là trường không đủ diện tích để dạy các môn thể thao khác.
Sau những buổi đầu bỡ ngỡ, giờ nữ sinh có thể cân bằng được quả cầu, điều khiển nó trong phạm vi của mình và tâng liên tục mà không bị rơi. “Em thấy vui, khỏe mạnh khi học đá cầu. Môn này có thể chơi ở mọi nơi”, Yến cho hay. Nhưng nếu được chọn, nữ sinh nói vẫn thích môn cầu lông vì đã tập luyện nhiều năm.
Trong khi đó, vì có cơ sở vật chất rộng rãi, các học sinh lớp 10 trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TP HCM được chọn học ba môn, gồm bóng chuyền, bóng rổ và cầu lông.
Chương trình phổ thông mới (chương trình 2018) với Giáo dục thể chất gồm hai giai đoạn: Cơ bản (lớp 1-9) và Định hướng nghề nghiệp (lớp 10-12). Ở giai đoạn hai, môn học này được thực hiện qua hình thức câu lạc bộ thể dục thể thao. Học sinh được chọn hoạt động thể thao phù hợp với nguyện vọng và khả năng đáp ứng của nhà trường. Các môn thể thao được xây dựng theo 3 mức: Nhóm kỹ thuật cơ bản; Nhóm kỹ thuật nâng cao; Nhóm vận dụng, thi đấu.
Có sách giáo khoa ở từng môn thể thao – một “bước đi mạnh dạn”
Năm đầu tiên triển khai chương trình phổ thông mới với lớp 10, có 8 cuốn sách Giáo dục thể chất của bộ Cánh diều và Kết nối tri thức với cuộc sống được phê duyệt. Cả hai bộ đều có môn cầu lông, bóng rổ, bóng đá. Bộ Cánh diều có thêm môn đá cầu, trong khi bộ Kết nối tri thức với cuộc sống thêm môn bóng chuyền.
Theo các giáo viên Giáo dục thể chất, việc có SGK ở từng môn thể thao là “bước đi mạnh dạn” của ngành giáo dục. Thầy Trần Ngọc Long, tổ trưởng tổ thể dục, trường THPT Bùi Thị Xuân, cho biết những năm học trước, SGK biên soạn chung cho cả một năm học, chương trình có 50 tiết dạy điền kinh, chạy, nhảy cao, nhảy xa và 20 tiết dạy một môn thể thao tự chọn như bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá. Nhưng theo chương trình thể dục mới , học sinh có thể chọn học một môn duy nhất.
“Trước đây, học điền kinh, nhiều em nữ nhìn thấy xà đã sợ, ám ảnh nhảy rơi xuống hố cát. Các em thích bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền nhưng lại phải học các môn chạy, nhảy cao hay nhảy xa sẽ là cực hình”, thầy giáo 58 tuổi nói, cho biết học trò được học các môn thể thao “hot” nên hào hứng hơn.
Cô Phạm Thị Ngọc, giáo viên thể chất, trường THPT Quỳnh Côi, Thái Bình nhận xét SGK Giáo dục thể chất mới cho thấy Bộ chú trọng hơn tới những môn thể thao này.
Tuy nhiên, theo thầy Long, chọn một môn các em thích để dạy khiến các trường gặp một số khó khăn về cơ sở vật chất, sắp xếp thời khóa biểu và đội ngũ giáo viên. Ở trường Bùi Thị Xuân, các giáo viên có chuyên môn tốt về bóng đá nhưng không thể dạy được môn này vì điều kiện sân trường không cho phép. Các thầy muốn dạy bóng bàn thì lại chưa có SGK về môn này.
“Chúng tôi quyết định dạy bóng chuyền, bóng rổ và cầu lông vì trường có sân, học sinh thích và đã có SGK. Giáo viên của chúng tôi cũng được đào tạo sâu về những nội dung này”, thầy Long cho biết. Các học sinh lớp 10 sau đó đăng ký nguyện vọng để trường xắp xếp dựa theo số đông. Nếu chọn học bóng rổ suốt ba năm, học sinh sẽ được làm quen ở lớp 10, sau đó đi sâu, học các kỹ thuật nâng cao và một số luật cơ bản ở các lớp sau. Lên lớp 11 nếu chán bóng chuyền, các em có thể chuyển qua bóng rổ.
Sự khó khăn
Còn ở trường THPT Quỳnh Côi, do có 17 lớp 10, sắp xếp thời khóa biểu để các lớp không trùng nhau khá vất vả. Trường cô Ngọc chỉ có một sân bóng rổ và bóng chuyền nhưng bố trí cho lớp 11, 12 học theo chương trình cũ. Khối 10 không học được vì sân không đủ cho các lớp. Nhiều buổi sáng, 4-5 lớp cùng có tiết Giáo dục thể chất.
Giáo viên được đào tạo bốn năm ở trường thể dục thể thao nên có thể dạy được hết các môn, nhưng để dạy ba năm với các kiến thức nâng cao về bóng rổ, bóng chuyền hay đá cầu thì không phải ai cũng làm được. Nhiều trường phải bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên, các thầy cô cũng phải chủ động cập nhật và học hỏi.
Cô Ngọc cho biết đây là năm đầu tiên học SGK mới nên có nhiều điều cần rút kinh nghiệm. Cô tính năm sau sẽ đề xuất chọn hai nội dung, nhưng “còn phải phụ thuộc vào điều kiện của trường”.
Theo ông Ngô Trần Ái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản – Thiết bị Giáo dục Việt Nam, đơn vị làm sách Cánh diều, từ lớp 10 trở lên, môn Giáo dục thể chất phải dựa vào năng khiếu và yêu cầu thực tế của học sinh. Trước đây Âm nhạc, Mỹ thuật hay Giáo dục thể chất được xem là môn phụ nhưng giờ các môn đều quan trọng. Môn Giáo dục thể chất bắt buộc phải học nên cần phải có sách. Năm đầu học SGK mới nên việc các trường lúng túng trong chọn môn học hay đào tạo giáo viên là không tránh khỏi.
“Về phía đơn vị sản xuất, việc in một môn nhiều cuốn sách cũng lãng phí nhưng buộc phải chấp nhận để có sự đổi mới. Các đơn vị kinh doanh luôn phải dự đoán để có số lượng in phù hợp”, ông Ái nói.
Nguồn : VN Express
Mời quý vị các bạn tiếp tục theo dõi và cập nhật giải đấu qua các nền tảng :
Fanpage : Cộng đồng thể thao học đường , Vsports – Cộng đồng thể thao Việt Nam